image banner
 
Lịch sử hình thành huyện Si Ma Cai
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 23 NĂM NGÀY TÁI LẬP HUYỆN SI MA CAI, XIN ĐƯỢC GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỚI QUÝ ĐỘC GIẢ VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HUYỆN SI MA CAI
✍🏻Nguồn gốc tên gọi
Theo truyền thuyết, khu chợ mới có dành riêng một khu chợ cho đồng bào mua bán, đổi ngựa theo tập quán địa phương. Khi xưa chỉ có đường mòn, con ngựa là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Vùng núi phía Bắc Việt Nam xưa kia có nhiều địa danh mang ý nghĩa thần thoại Rồng - Tiên thơ mộng, trong đó Xín Ma Cái (Xênh Mùa Ca) có nghĩa là vùng đất đó xuất hiện con ngựa lạ. Huyền tích cho rằng con ngựa ấy là ngựa của nhà trời (Giàng) đi kinh lý. Thấy xuất hiện con ngựa lạ ở chợ từ đỉnh núi phi xuống chợ, mọi người lan truyền về chuyện con ngựa lạ nhà trời xuống chợ. Từ đó, cái tên Xín Ma Cái ra đời gắn với truyền thuyết về ngựa thần. Tên gọi Xín Ma Cái có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “chợ ngựa mới” - chợ xuất hiện ngựa lạ (dịch nghĩa: Xín nghĩa là “mới”, ma-tù ma nghĩa là “con ngựa”, cái-mủng căng cái nghĩa là “đi chợ”, “chợ”).
Địa danh Si Ma Cai theo âm tiếng Mông là Xênh Mùa Ca, có nghĩa là “Chợ ngựa mới”. Xưa kia chợ họp 6 ngày một phiên ở Phố Cũ. Địa hình Phố Cũ tương đối bằng phẳng, nên người dân dựng nhà san sát hai bên đường tạo thành dãy phố (chợ cũ). Khi huyện Xín Ma Cái được thành lập, tại trung tâm huyện lỵ xây dựng các cửa hàng Quốc doanh như thương nghiệp, thực phẩm, lương thực, dược, bưu điện, vị trí đón đầu đường ô tô từ Bắc Hà lên thuận tiện cho lưu thông. Sau khi thành lập, huyện đã tổ chức lao động công ích, lao động xã hội chủ nghĩa do thanh niên “Ba sẵn sàng” làm thủ công để có sân rộng họp chợ, vừa làm sân bóng và các hoạt động văn hóa, Phố Mới ra đời từ đó.
Việc thành lập huyện mới như Si Ma Cai (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang)…là quyết định sáng suốt, nhằm bảo vệ phên giậu quốc gia trong xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phòng vệ từ xa việc thâm nhập bành trướng nơi vùng cao hẻo lánh và hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn vững vàng trong mọi tình huống.
✍🏻Thay đổi địa danh, địa giới qua các thời kỳ:
Địa bàn Si Ma Cai từ thời Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán. Thời kỳ Bắc thuộc là vùng đất thuộc châu Cam Đường, quận Giao Chỉ. Đến đời Lý, thuộc đất Đăng Châu, đời Trần thuộc lộ Quy Hóa. Từ thời Lê đến trước khi thực dân Pháp chiếm đóng, Si Ma Cai thuộc động Ngọc Uyển, châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
Ngày 12/7/1907 tỉnh Lào Cai được thành lập, Si Ma Cai là một trong 3 tổng của châu Bắc Hà gồm Man Tổng, Ngọc Uyển và Si Ma Cai.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Si Ma Cai là một trong 4 tổng của huyện Bắc Hà thuộc tỉnh Lào Cai đó là: Bắc Hà, Lùng Phình, Si Ma Cai và Bảo Nhai. Khi tỉnh Lào Cai được giải phóng (tháng 11/1950), hành chính cấp huyện không thay đổi, nhưng cấp xã được phát triển.
Ngày 28/01/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc. Lào Cai cùng với các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu gia nhập Khu Tây Bắc. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230-SL thành lập Khu tự trị Thái - Mèo. Khi đó, tỉnh Lào Cai thuộc về Liên khu Việt Bắc. Địa bàn tỉnh Lào Cai có các đơn vị hành chính: Thị xã Lào Cai có 10 khu dân cư; huyện Bảo Thắng có 15 xã; huyện Sa Pa có 17 xã; huyện Bát Xát có 30 xã; huyện Mường Khương (gồm cả địa bàn huyện Bản Lầu trước đây) có 24 xã và huyện Bắc Hà có 36 xã, 1 phố gồm: “Phố Bắc Hà; các xã: Tà Chải, Na Hối, Lầu Thí Ngài, Công Bình, Thải Giàng Phố, Hoàng Thu Phố, Hợp Lý, Liên Hiệp, Bản Phố, Nậm Mòn, Cờ Cải, Làng Cang, Seng Sui, Tả Củ Tỷ, Bản Già, Làng Phình (Lùng Phình), Bảo Nhai, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Hòa Bình, Bản Cái, Nậm Đét, Si Ma Cai, Cán Hồ, Cán Cấu, Nàng Cảng, Sín Hồ Sán, Hố Mù Chải, Quan Thần Sán, Bản Mế, Thào Chư Phìn, Nàn Sín, Sín Chéng, Mản Thẩn, Nàn Vái, Dào Dần Sán”1.
Ngày 15/11/1966, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 197-QĐ chia tách huyện Bắc Hà thành 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai. Si Ma Cai là một huyện của tỉnh Lào Cai. Năm 1976 tỉnh Lào Cai sáp nhập với tỉnh Yên Bái và một số huyện của tỉnh Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Si Ma Cai là một huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngày 17/4/1979, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 168-QĐ sáp nhập huyện Si Ma Cai và Bắc Hà thành huyện Bắc Hà.
Ngày 28/5/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 205-CP của Chính phủ về sáp nhập một số xã của tỉnh Hoàng Liên Sơn, theo đó: Sáp nhập xã Dào Dần Sán và xã Nàn Vái thành một xã lấy tên là xã Nàn Sán. Sáp nhập xã Nàng Cảng và xã Si Ma Cai thành một xã lấy tên là xã Si Ma Cai. Sáp nhập xã Hồ Mù Chải và xã Sín Hồ Sán thành một xã lấy tên là xã Sán Chải. Sáp nhập xã Lùng Sán và xã Seng Sui thành một xã lấy tên là xã Lùng Sui. Năm 1991 tỉnh Lào Cai được tái lập, Si Ma Cai thuộc huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai.
Ngày 18/8/2000 Chính phủ ban hành Nghị định số 36-NĐ/ CP chia tách huyện Bắc Hà thành huyện Si Ma Cai và Bắc Hà thuộc tỉnh Lào Cai, huyện Si Ma Cai được tái lập.
Ngày 11/2/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ra Nghị quyết số 896/NQ-UBTVQH14, sáp nhập 3 xã gồm: Quan Thần Sán, Cán Hồ, Mản Thẩn thành xã Quan Hồ Thẩn; sáp nhập 2 xã Lùng Sui và Lử Thẩn thành xã Lùng Thẩn; thành lập thị trấn Si Ma Cai trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Si Ma Cai.
anh tin bai
 
 
Theo Vàng Nga - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Si Ma Cai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập